Nguyên tắc đặt lọ hoa trên bàn thờ vốn là “Đông bình Tây quả”. Vì sao như vậy?

Những dịp lễ quan trọng hay Tết đến xuân về, khi bày biện mâm ngũ quả cùng lọ hoa trên bàn thờ, các cụ xưa thường thực hiện theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả”. Vậy “Đông bình Tây quả” hiểu sao cho đúng và trong cuộc sống hiện đại ứng dụng như nào cho tiện?

Ý nghĩa đặt lọ hoa trên bàn thờ

Lọ hoa bài trí trên bàn thờ còn được biết đến với cái tên lộc bình (Bình thu về tài lộc). Bình hoa trên bàn thờ không nên để trống, bởi vậy việc cắm hoa trên bàn thờ còn là ý niệm thu giữ, tích tụ tài lộc.

Hoa tươi mang nhiều sinh khí, hội tụ tinh hoa của đất trời. Đặt lọ hoa trên bàn thờ không chỉ giúp hương án thơm mát, tôn nghiêm mà còn có tác dụng thu hút tài lộc, nâng cao vượng khí.

Lọ hoa trên bàn thờ đặt như nào mới đúng? Hóa ra tới giờ vẫn nhiều nhà làm sai mà không hề biết - Ảnh 1.

“Đông bình Tây quả” nghĩa là gì?

Người xưa có câu: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Gió đến từ hướng Nam cát lành, nhiều sinh khí. Bởi vậy, không chỉ xây nhà mà các cụ thời xưa cũng chọn hướng Nam để an vị bàn thờ. Thực chất, “Đông bình Tây quả” là cách bài trí dựa trên quy luật của tự nhiên. Mặt trời mọc đằng Đông, lặn đằng Tây, cũng giống như chu trình cây trưởng thành có hoa thơm rồi mới kết trái. Đặt hoa phía Đông, quả phía Tây là thuận âm dương, hợp ý trời.

Bàn thờ thường được đặt theo hướng Nam, lọ hoa đặt bên trái – hướng Đông (bên phải chỗ gia chủ đứng), mâm quả đặt bên phải – hướng Tây (bên trái chỗ gia chủ đứng). Dễ hiểu hơn là từ trong bàn thờ nhìn ra, bên trái của bàn thờ là phía Đông, còn bên phải là phía Tây. Khi có gió Đông, Đông Nam thổi vào, hương hoa lẫn quả sẽ tỏa khắp không gian ngôi nhà, không chỉ dịu nhẹ, thanh mát mà còn ấm cúng.

Ngoài ra, cách bài trí “Đông bình Tây quả” còn tượng trưng ý niệm sinh sôi và thu hoạch của vạn vật. Phía Đông bày lọ hoa tượng trưng cho mùa xuân đâm chồi nảy lộc, ra hoa còn phía Tây đặt mâm bồng quả biểu ý cho mùa thu chuẩn bị kết trái. Điều này cũng là mong muốn thu tài giữ lộc, gia trạch được an khang, con cháu được thịnh vượng, sung túc.

Đối với những bàn thờ kích thước lớn có thể bày biện song bình. Gia chủ có thể đặt lọ hoa hai bên đối xứng, mâm bồng quả hoặc mâm ngũ quả ở giữa trước bát nhang. Bài trí như vậy không chỉ giúp bàn thờ thêm đầy đủ, ấm cúng mà cũng không làm mất đi ý nghĩa ban đầu của lọ hoa.

Lọ hoa trên bàn thờ đặt như nào mới đúng? Hóa ra tới giờ vẫn nhiều nhà làm sai mà không hề biết - Ảnh 2.

Những lưu ý cần nhớ khi đặt lọ hoa trên bàn thờ

– Ngoài việc bày lọ hoa trên bàn thờ, gia chủ cũng nên tươm tất những món đồ thờ khác như bộ tam sự (ngũ sự), mâm bồng, ống hương,… để tăng thêm sự ấm cúng, trang trọng.

– Với những bàn thờ nhỏ, chẳng hạn như bàn thờ treo trên tường, gia chủ có thể cân nhắc đặt độc bình, bên đối diện là ống hương. Không cố chen chúc nhiều bình hoa trên bàn thờ. Điều này không giúp tăng thêm sinh khí mà còn khiến bàn thờ thiếu cân đối với những đồ thờ khác.

– Bình hoa đặt trên bàn thờ tránh chất liệu đồng, sắt. Nên chọn chất liệu gốm, sứ, thủy tinh mộc mạc, an lành.

– Các loại hoa cắm trên bàn thờ mùi hương thanh dịu, không có gai nhọn, cắt tỉa gọn gàng để đảm bảo an toàn lẫn giá trị tâm linh mà lộc bình mang lại.

(Thông tin mang tính chiêm nghiệm)