Có nhiều ý nghĩa phong thuỷ, dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc, cây hồng môn hiện được nhiều người lựa chọn để trồng làm cây cảnh trong nhà hoặc nơi làm việc.

Nguồn gốc của cây hồng môn

Cây hồng môn có tên khoa học là Anthurium Andraeanum, thuộc học Ráy – Araceae, nguồn gốc từ Colombia và Ecuador. Hồng môn còn được gọi với những tên khác như cây buồm đỏ, môn hồng, cây vĩ hoa tròn, cây hồng môn đỏ.

Là loại cây trồng thân thảo, cây hồng môn có kích thước nhỏ, thân ngắn và thường mọc thành bụi. Lá cây màu xanh hình trái tim, dài từ 18cm – 30cm. Lá non có màu nhạt và đậm dần khi trưởng thành. Cuống lá cây dài khoảng 30cm – 40cm và có hình ống trụ. Cây hồng môn có tuổi thọ cao so với các loại cây cảnh khác.

cay-hong-mon
Cây hồng môn còn có nhiều tên gọi khác. (Ảnh minh hoạ)

Không toát lên vẻ đẹp quý phái nhưng hoa hồng môn lại mang nét đặc trưng riêng, bình dị và gần gũi. Hoa hồng môn mọc thành cụm dạng mo trên một cuống dài và cong. Mo màu đỏ tươi, hình bầu dục đầu nhọn, góc hình tim, nổi rõ gân xanh. Cụm hoa cong màu vàng nhạt.

Cây hồng môn có mấy loại?

Dựa vào kích thước, cây hồng môn hiện được chia làm 3 loại chính, đó là: Đại hồng môn, trung hồng môn và tiểu hồng môn. Tuỳ sở thích và mục đích, gia chủ có thể lựa chọn loại cây hồng môn phù hợp để trồng làm cảnh.

cac-loai-cay-hong-mon
Tuỳ vào kích thước, cây hồng môn được chia làm 3 loại chính. (Ảnh minh hoạ)

Đặc điểm dễ nhận biết của đại hồng môn so với hai loại còn lại là bản lá to, gân lá hình chân vịt, có màu xanh nhạt. Lá có hình bầu dục, đầu lá thuôn gọn, cuống lá dài và cong rũ xuống. Hoa đại hồng môn có hình mo cau, cuống dài.

Với kích thước cao và bản lá to, đại hồng môn thích hợp trồng ở hàng lang, toà nhà văn phòng hoặc sảnh khách sạn. Trong khi đó, trung hồng môn và tiểu hồng môn rất thích hợp khi trồng trang trí để bàn.

Ngoài ra, hồng môn còn được phân loại dựa trên màu sắc của hoa, như: Hồng môn đỏ, hồng môn trắng, hồng môn phấn.

Ý nghĩa của cây hồng môn trong phong thủy

Trong phong thuỷ, cây hồng môn có ý nghĩa mang lại sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng cho gia chủ.

Về tên gọi, tên của cây được ghép từ hai chữ “hồng” và “môn”. Trong tiếng Trung, “hồng” là từ chỉ màu đỏ, là màu tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc. Còn “môn” là từ chỉ cánh cửa, thứ rất quan trọng trong văn hoá xưa. Do đó, hồng môn có nghĩa là cánh cửa mở ra những điều may mắn và hạnh phúc.

hoa-hong-mon
Hoa hồng môn màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc. (Ảnh minh hoạ)

Lá cây hồng môn có hình trái tim với màu xanh đậm, hình ảnh này tượng trưng cho tình yêu trường tồn và chân thành.

Với những người đang kinh doanh, nên đặt một chậu hồng môn nơi bàn làm việc hoặc quầy lễ tân của công ty. Ngoài tác dụng trang trí không gian làm việc, cây hồng môn còn có ý nghĩa mang đến sự may mắn, thuận lợi và tài lộc.

Cũng có quan niệm cho rằng, hoa hồng môn có hình trái tim nên dù có là màu sắc gì thì đây cũng là loại cây biểu tượng cho sự yêu thương bền vững. Ở một số nơi khác, hoa hồng môn còn là biểu trưng cho sự hiếu khách.

Cây hồng môn hợp mệnh gì? hợp với tuổi nào?

Dựa vào màu sắc của hoa và Ngũ hành, cây hồng môn được chia làm 2 loại. Hoa hồng môn có màu đỏ, hồng và cam thuộc hành Hoả. Hoa hồng môn có màu trắng thì thuộc hành Kim.

Theo Ngũ hành tương sinh, người tuổi mệnh Hoả và mệnh Thổ sẽ hợp với hoa hồng môn màu đỏ, hồng và cam.

Cụ thể, người mệnh Hoả sinh vào các năm sau: Giáp Tuất (1934, 1994), Đinh Dậu (1957, 2017), Bính Dần (1986, 1926), Ất Hợi (1935, 1995), Giáp Thìn (1964), Đinh Mão (1987, 1927), Mậu Tý (1948, 2008), Ất Tỵ (1965), Kỷ Sửu (1949, 2009), Mậu Ngọ (1978), Bính Thân (1956, 2016), Kỷ Mùi (1979).

Người mệnh Thổ sinh vào các năm sau: Mậu Dần (1938, 1998), Tân Sửu (1961, 2021), Canh Ngọ (1990), Kỷ Mão (1939, 1999), Mậu Thân (1968), Tân Mùi (1991), Bính Tuất (1946, 2006), Kỷ Dậu (1969), Đinh Hợi (1947, 2007), Bính Thìn (1976), Canh Tý (1960, 2020), Đinh Tý (1977).

hoa-hong-mon-trang
Những người mệnh Kim và mệnh Thuỷ hợp với hồng môn hoa trắng. (Ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, những người tuổi mệnh Kim và mệnh Thuỷ sẽ hợp với hồng môn có hoa màu trắng.

Những người mệnh Kim sinh vào các năm sau: Nhâm Thân (1932, 1992), Ất Mùi (1955, 2015), Giáp Tý (1924, 1984), Quý Dậu (1933, 1993), Nhâm Dần (1962, 2022), Ất Sửu (1985, 1925), Canh Thìn (1940, 2000), Quý Mão (1963), Tân Tỵ (1941, 2001), Canh Tuất (1970), Giáp Ngọ (1954, 2014), Tân Hợi (1971).

Những người mệnh Thuỷ sinh vào các năm sau: Bính Tý (1936, 1996), Quý Tỵ (1953, 2013), Nhâm Tuất (1982, 1922), Đinh Sửu (1937, 1997), Bính Ngọ (1966), Quý Hợi (1983, 1923), Giáp Thân (1944, 2004), Đinh Mùi (1967), Ất Dậu (1945, 2005), Giáp Dần (1974), Nhâm Thìn (1952, 2012), Ất Mão (1975).

Cây hồng môn có tác dụng gì?

Bên cạnh những ý nghĩa về phong thuỷ, cây hồng môn cũng là một loại cây cảnh có tác dụng điều hoà không khí hiệu quả. Ngoài hấp thụ khí CO2 và cung cấp khí O2, cây hồng môn còn thanh lộc các khí như formaldehyde, xylene, toluene, và ammoniac trong không khí.

Đặt cây hồng môn trong không gian làm việc sẽ giúp cho không gian không gian xanh mát hơn, giúp giảm căng thẳng cho người làm việc.

cay-hong-mon-co-hoa-mau-hong
Cây hồng môn tác dụng thanh lọc không khí hiệu quả. (Ảnh minh hoạ)

Với lá cây màu xanh hình trái tim và những bông hoa đỏ rực rỡ, hồng môn là loài hoa ưa thích của các cặp tình nhân. Họ thường tặng cho nhau hồng môn vào các dịp lễ tình yêu thay cho lời hứa về một tình yêu bền chặt và mặn nồng.

Dù có tác dụng thanh lọc không khí hiệu quả, thế nhưng toàn thân cây hồng môn đều có độc tố Calcium oxalate và Asparagine. Do vậy, nếu trong nhà có trẻ nhỏ thì nên lưu ý khi trồng bời nếu chúng ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây cũng gây ra bỏng rát họng, dạ dày và ruột. Lá hay hoa nếu nát dính vào da sẽ dễ tạo ban và rộp mụn nước.

Cách trồng và chăm sóc cây hồng môn

Có hai cách chọn giống cây hồng môn để trồng. Nếu là cây một thân thì cắt phần chồi từ cây gốc có rễ. Nếu là cây đã có sẵn 2 chồi thì tách làm đôi thành 2 cây để trồng.

Sau khi chọn được cây giống thì công đoạn tiếp theo là chuẩn bị đất. Đất trồng phải giàu dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt. Có thể trộn thêm các loại phân chuồng hoặc xơ dừa vào đất.

trong-cay-hong-mon
Cây hồng môn rất dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc. (Ảnh minh hoạ)

Tiếp đó, đặt cây giống vào chậu, ấn đất không quá chặt và tưới nước đầy đủ cho cây. Nên đặt cây ở nơi có bóng mát, cây con sẽ bắt đầu mọc rễ và phát triển bình thường. Hồng môn rất dễ trồng và cũng không tốn quá nhiều công chăm sóc.

Không nên tưới quá nhiều nước cho cây hồng môn vì sẽ làm cho cây bị úng rễ. Vào mùa mưa, nên tưới 1 lần/tuần. Vào mùa khô, nên tưới 2 lần/tuần hoặc 3 lần/tuần.

Nhiệt độ thích hợp để cây hồng môn phát triển tốt thường từ 15 độ C đến 30 độ C. Không nên đặt cây trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Không gian mát mẻ, thậm chí có máy điều hoà, sẽ là môi trường thích hợp cho loài cây này.